Nhập cung Hán Đậu_hoàng_hậu_(Hán_Chương_Đế)

Năm Kiến Sơ thứ 2 (77), tháng 8, bà cùng em gái được tuyên vào trong Trường Lạc cung (長樂宮), phong độ dung mạo đều thực xuất chúng. Khi ấy, Hán Chương Đế nghe tiếng nhan sắc Đậu thị, nhiều lần hỏi các Phó mẫu (các Nữ quan dạy dỗ cung tần trong cung), ngay cả Mã Thái hậu khi trông thấy Đậu thị cũng cảm thấy người này thực khác thường, nên giữ lại ở trong Dịch đình. Khi đến Dịch đình, Đậu thị đã nhân đó đến Bắc cung Chương Đức điện (章德殿), Đậu thị thiên tính nhanh nhẹn, tận tâm mà biết ứng tiếp, trên dưới trước sau xã giao rất được thể diện, cho nên thanh danh từng ngày lan truyền ra[6].

Năm Kiến Sơ thứ 3 (78), ngày 2 tháng 3, Hán Chương Đế ra chỉ lập bà làm Hoàng hậu[7], em gái làm Quý nhân[8], truy tôn cha bà Đậu Huân làm An Thành Tư hầu (安成思侯). Từ đó, Đậu thị chuyên sủng hậu cung, nhưng mãi mà Đậu hậu vẫn không có con[9].

Mã Thái hậu rất yêu quý Tống Quý nhân, yêu cầu Hán Chương Đế phải lập con của Tống thị là Lưu Khánh làm Thái tử. Đậu hậu lúc đó không có con, nên bèn chọn con trai của Lương quý nhân là Hoàng tử Lưu Triệu làm con nuôi, hòng học tập theo Mã Thái hậu nhận nuôi Hán Chương đế trước đó. Sau khi Mã Thái hậu qua đời, Đậu hậu bèn lên kế hoạch phế truất Tống quý nhân cùng con trai là Thái tử Lưu Khánh. Bà bí mật nhờ anh là Đậu Hiến thu thập các bằng chứng phạm tội của nhà họ Tống, đồng thời mua chuộc các cung nữ, hoạn quan bên phía Tống Quý nhân.

Năm Kiến Sơ thứ 6 (81), Tống Quý nhân lâm bệnh, cơn bệnh khiến bà rất thèm Chi Tơ hồng nên yêu cầu gia đình đưa vào cung. Nhân đó, Đậu hoàng hậu tố cáo Tống quý nhân đưa vật lạ vào cung để làm trò phù thủy trong cung. Các Hoàng đế nhà Hán sau sự kiện của Hán Vũ Đế, đã rất nhạy cảm đến chuyện đồng cốt, pháp sư ở trong cung, nên việc này khiến Hán Chương Đế nổi trận lôi đình, liền phế truất Thái tử Lưu Khánh. Tống Quý nhân bị phế và bị giải vào ngục, sau bị ép tự vẫn. Thái tử Lưu Khánh bị phế thành Thanh Hà vương, còn Lưu Triệu được lập làm Thái tử, do Đậu hoàng hậu nuôi dưỡng[10][11]. Năm thứ 7 (82), truy tặng cha của Đậu hậu làm An Thành Tư hầu (安成思侯)[12]. Nhà họ Lương của Lương Quý nhân có được cháu là Thái tử nên lấy làm vui mừng. Họ Đậu khi biết được, cảm thấy không vui vì tương lai sẽ cùng họ Lương san sẻ ảnh hưởng đến Lưu Triệu, Đậu hậu bèn tìm cách tiêu diệt luôn dòng họ Lương.

Năm Kiến Sơ thứ 8 (83), Đậu hậu tố cáo Lương Tủng - cha của Lương Quý nhân nhiều tội trạng vô căn cứ nhưng Chương Đế vẫn tin, ra lệnh giam Lương Tủng vào ngục khiến ông chết trong đó. Lương Quý nhân đau buồn quá độ mà mất theo[13]. Họ Đậu dần dần trở thành ngoại thích mới có thế lực. Khi Hán Chương Đế không còn tin dùng dòng họ Mã của Mã Thái hậu quá cố, ông thay thế bằng hai người anh của bà là Đậu HiếnĐậu Đốc, Đậu Hiến nhậm chức Thị trung (侍中), kiêm Dũng sĩ Trung lang tướng (虎贲中郎将); còn Đậu Đốc nhậm Hoàng môn Thị lang (黄门侍郎). Hai anh em cùng mông thân hạnh, xuất nhập nội cung, lại có em gái làm Hoàng hậu nên khí thế hơn người. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngoại thích nhà Hán, thế lực của Hoàng hậu lại mạnh hơn thế lực của Thái hậu.

Khi ấy Đậu Hiến áp bức Thấm Thủy công chúa Lưu Trí - con gái của Hán Minh Đế, thu mua luôn vườn rau của công chúa, công chúa sợ khí thế của Hiến mà nhẫn nhịn[14]. Sau, Hán Chương Đế qua nơi đây, chỉ hỏi vườn rau, Đậu Hiến bị tội, Chương Đế khi ấy cực kỳ giận dữ. Đậu hậu phải tháo trâm rũ tóc, cầu tình Hoàng đế, Đậu Hiến mới được tha cho[15]. Tuy lần này Đậu Hiến thoát, song từ đó Hán Chương Đế không còn trọng dụng Đậu Hiến nữa.